Trong những năm qua, những nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu thi nhau mọc lên. Càng có nhiều nhà máy, nguồn gỗ rừng trồng ngày càng “hút hàng”, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng vì không đủ nguyên liệu. Bên cạnh đó còn nảy sinh hiện tượng tranh mua nguyên liệu, đến cả cây non cũng mua tất, khiến chất lượng sản phẩm giảm, bị khách hàng ép giá.
Như nấm sau mưa
Đến những năm cuối của thập niên 80 (TK 20), gỗ lóng bạch đàn và mặt hàng gỗ dăm của Việt Nam mới thâm nhập được vào các thị trường nước ngoài. Đơn vị tiên phong xuất khẩu mặt hàng này là Tổng công ty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO). Từ thị trường đầu tiên là Đài Loan, sau mở rộng sang các nước Nhật, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Ban đầu, lượng gỗ dăm xuất khẩu của cả nước hàng năm chỉ đạt khoảng 300.000 – 400.000 tấn khô/năm.
Thấy mặt hàng này đang được nhiều thị trường nước ngoài ăn mạnh, lập tức các nhà máy đua nhau mọc lên khắp nơi, tỉnh nào có cảng là có nhà máy xuất hiện. Từ 300.000 – 400.000 tấn/năm, hiện nay lượng dăm gỗ xuất khẩu đã tăng đến 14 – 15 triệu tấn/năm. Điều này chứng tỏ sự phát triển “chóng mặt” của các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện trên toàn quốc có khoảng 80 nhà máy với tổng công suất đạt khoảng 1,5 triệu tấn dăm khô/năm. Theo đó, mỗi năm, số lượng nhà máy nói trên “ngốn” đến hơn 3,5 triệu tấn gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng.
Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: “Khi dăm gỗ chưa được xuất khẩu và còn ít nhà máy, nguyên liệu chế biến dăm của các nhà máy chủ yếu sử dụng gỗ từ các loại cây mỡ, cây bồ đề, tre, nứa. Thế nhưng hiện nay, các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu đều sử dụng gỗ rừng trồng. Trong khi đó, diện tích rừng trồng trên cả nước dù có tăng trưởng hàng năm, nhưng mức tăng trưởng của rừng không theo kịp sự bùng nổ của các nhà máy nên nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm”.